Người dân vẫn e dè chi tiêu dẫn tới sức mua yếu, doanh nghiệp sản xuất gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên, kết quả khảo sát hoạt động sản xuất kinh doanh của 30.000 doanh nghiệp (DN) trong 6 tháng đầu cho thấy 53,8% DN đang gặp khó vì nhu cầu thị trường trong nước thấp.

Những điểm sáng nửa đầu năm

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024 được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo ngày 29-6, GDP quý 2-2024 tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung, tăng trưởng GDP 6 tháng ước đạt khoảng 6,42% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát quý 2 tăng 4,39%, tính chung lạm phát 6 tháng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm nay nền kinh tế ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 15,19 tỉ USD, tăng 13,1%, trong đó vốn FDI giải ngân đạt 10,84 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 368,53 tỉ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 190,08 tỉ USD, nhập khẩu đạt 178,45 tỉ USD, cán cân thương mại xuất siêu 11,63 tỉ USD.

Trong tháng 6 VN đón 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tính chung 6 tháng VN đón 8,8 triệu lượt khách quốc tế.

Kết quả kinh tế nửa đầu năm khởi sắc cũng được phản ánh phần nào trong cuộc khảo sát của Tổng cục Thống kê, ghi nhận có 73,5% DN nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 1-2024. Trong khi đó chỉ có 26,5% DN đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn.

Doanh nghiệp gặp khó ngay trên sân nhà

Tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, trong 6 tháng có 119.600 DN đăng ký thành lập mới, quay trở lại hoạt động, 110.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân mỗi tháng có gần 18.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, có 43,6% doanh nghiệp cho biết mức độ cạnh tranh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước ngày càng gay gắt. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn rất lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngay tại sân nhà.

Về những khó khăn của doanh nghiệp, bà Phí Thị Hương Nga, vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, cho biết phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn cả đầu vào và đầu ra, đặc biệt là đầu ra.

Nguyên nhân do nhu cầu thị trường trong nước thấp và mức độ cạnh tranh tiêu thụ hàng trong nước cao. Đây là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tỉ lệ lựa chọn lần lượt là 53,8% và 43,6%.

Riêng với doanh nghiệp xây dựng có 46,9% doanh nghiệp gặp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới.

Đánh giá về các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh, bà Nga cho hay có 27,4% doanh nghiệp gặp khó khăn vì giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao. Đây là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có 21,2% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh, 19,7% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn tuy đã giảm hơn trước nhưng vẫn còn cao.

Và có 18,1% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu, 14,7% doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đáng lưu ý có 10,5% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động đáp ứng yêu cầu.

Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), có hai yếu tố đang ảnh hưởng trực tiếp tới tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp nội địa.

Thứ nhất, do triển vọng tăng trưởng kinh tế còn nhiều ẩn số nên doanh nghiệp, người dân có tâm lý thắt chặt tiêu dùng, đầu tư. Điều này phản ánh qua chỉ số tăng trưởng tín dụng thấp nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng 6 tháng đầu năm rất cao.

Khi cả người dân, doanh nghiệp đều phòng thủ thì vòng quay của hàng hóa, tiền tệ trên thị trường sẽ giảm xuống, nên doanh nghiệp rất khó bán được hàng.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ cũng vậy, 6 tháng đầu năm dù doanh thu hàng hóa dịch vụ có tăng nhưng vẫn chậm hơn tốc độ tăng trưởng của những năm trước Covid-19 và thấp hơn kỳ vọng.

Thứ hai, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, hàng giá rẻ từ nước ngoài không chỉ của Trung Quốc sẵn sàng chèn lấn hàng nội địa.

"Hàng trong nước phải cạnh tranh với hàng ngoại chất lượng, mẫu mã tương đương, thậm chí nhỉnh hơn về chất lượng nhưng giá cả lại thấp hơn rất nhiều từ các nước xung quanh, nhất là từ Trung Quốc, trên sàn thương mại điện tử", ông Việt nhấn mạnh.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, ngày 29-6 tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã quyết định tiếp tục giảm 2% thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đến hết ngày 31-12-2024. Điều này sẽ giúp kích cầu tiêu dùng trong 6 tháng còn lại của năm 2024.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách giảm thuế VAT là giảm trực tiếp chi phí mua hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Vì thế, các chuyên gia khuyến nghị nên kéo dài chính sách giảm thuế VAT đến hết năm 2025 để kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, còn cho rằng trong bối cảnh cho phép thì việc giảm thuế VAT nên ở mức sâu hơn, như vậy người dân mới thấy khoản hỗ trợ giảm thuế có ý nghĩa với túi tiền của họ và quyết định mua sắm thêm.

Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ hạ lãi suất và kích cầu trong nước

Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2024.

Kết quả khảo sát ghi nhận 47% doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành tiếp tục giảm lãi suất cho vay và 29% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào.

Có 30,5% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có giải pháp ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào sản xuất, 35,4% doanh nghiệp kiến nghị có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào.

Hơn nữa, 31,2% doanh nghiệp đã kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp.

Về thị trường đầu ra, có 27,7% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và địa phương tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước, 21,4% doanh nghiệp cho rằng cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.